[Định hướng nghề nghiệp IT] Sự khác nhau giữa nhúng bên điện tử và kĩ thuật máy tính

Share:

Trong bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn về những điểm lợi thế và bất lợi khi bạn là sinh viên điện tử hoặc kĩ thuật máy tính.
Bạn có thể tham khảo bài viết [Định hướng nghề nghiệp IT] Lập trình nhúng - embedded engineer để biết thêm về lập trình nhúng. Bạn nên đọc bài này trước để phân biệt rõ ràng embedded software và embedded hardware.

Nói nhanh về công việc thực tế khi đi làm trong lĩnh vực lập trình nhúng

Thông thường thì công việc lập trình nhúng sẽ chia ra hoàn toàn thành embedded software và embedded hardware. Thực thế cho thấy đa phần các bạn sinh viên ra trường đều đi theo hướng software. Vậy theo bạn nghĩ đây có phải là bất lợi đối với các bạn học điện tử? Chúng ta sẽ tìm hiểu câu trả lời sau.
Nếu bạn làm cho các công ty start-up, bạn sẽ có cơ hội làm full-stack, nghĩa là bạn sẽ làm luôn cả hardware và software, bạn sẽ hoàn thành toàn bộ sản phẩm.

Đọc tới đây, bạn hãy nhìn lại trường hợp của bạn, và bạn đã xác định mình muốn đi theo hướng software hay hardware chưa?

Điểm bất lợi và lợi thế khi bạn là sinh viên điện tử

Điểm bất lợi của sinh viên điện tử, chắc chắn rồi, bạn sẽ được học rất ít về code. Đâu đó bạn chỉ học được vài môn như: lập trình C, lập trình nhúng cơ bản, vi xử lý.

Vậy bạn hãy xem, nếu bạn đi theo hướng embedded software, bạn có đáp ứng được yêu cầu không?
Rõ ràng đây là điểm bất lợi lớn nhất dành cho các bạn điện tử muốn đi theo hướng code - embedded software. Vì thế bạn nên tự học các môn như database, lập trình hướng đối tượng (OOP), bạn nên biết luôn về lập trình web.

Nhưng bạn vẫn có một số lợi thế nhất định, trong thời gian học đại học, bạn sẽ được học rất nhiều về mạch điện, mạch điện tử, logic, tín hiệu số, tín hiệu tương tự, phổ, vv. Và sau này khi đi làm, bạn có là người có khả năng nắm rất rõ về phần cứng, một khi bạn hiểu tốt về phần cứng, bạn sẽ code tốt hơn. Bạn cũng có khả năng debug lỗi (trong nhúng có 2 khái niệm là hardware debug và software debug), cũng như khả năng sử dụng máy đo như VOM, giao động ký, máy hàn, khò để sửa mạch và tìm bug. Thậm chí bạn có luôn khả năng tự thiết kế mạch (thiết kế PCB).

Điểm bất lợi và lợi thế khi bạn là sinh viên IT

Các điểm bất lợi và lợi thế của sinh viên IT chắc chắn là ngược lại với sinh viên điện tử.
Lợi thế của bạn nằm hoàn toàn bên phần code, bạn nắm rõ về database, lập trình hướng đối tượng (OOP), bạn biết luôn lập trình web, các kiến thức mạng máy tính mà phục vụ rất tốt cho embedded software, nhất là IoT.

Tuy nhiên điểm bất lợi của bạn chính là nằm ở phần cứng, bạn rất khó tiếp thu các tài liệu về phần cứng như datasheet, dẫn tới không hiểu rõ phần cứng. Bạn cũng không mạnh về thiết kế PCB.
Nhưng bạn yên tâm, khi bạn đi thuần bên embedded software thì bạn không thực sự đụng phần cứng đâu.

Người tuyển dụng không quan tâm bạn học gì.

Chắc chắn rồi, người tuyển dụng không quan tâm bạn học gì, họ chỉ quan tâm bạn có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của họ hay không thôi. Hãy tìm và đọc những tin tuyển dụng để bạn biết bạn đang thiếu gì và học ngay khi có thể.

Chúng tôi tin chắc một điều, thế mạnh chung của các bạn là khả năng tự học, cày cuốc. dù bạn có học điện tử hay IT, bạn đều phải siêng năng tích lũy kiến thức, chịu khó học hỏi các công nghệ mới.
Bạn đã biết được điểm mạnh yếu của mình rồi thì hãy dựa vào đó để phát triển bản thân tốt hơn. Cơ hội việc làm luôn luôn rộng mở với các bạn.

Hi vọng bài viết giúp ích cho bạn. Mọi ý kiến, thắc mắc vui lòng để lại comment bên dưới.

1 nhận xét: